Liệu có phải bức ảnh cho thấy hai đứa trẻ, được sinh ra cách nhau nửa thế kỷ, đang đi dạo trên sân chơi huyền bí của chúng?
Tờ Daily Telegraph ngày 21/1 cho biết gia đình đã chụp tấm ảnh hai đứa trẻ trong khi tham gia tour du lịch ngắm ma tại thị trấn Picton đã thề rằng vào thời điểm đó, trong nghĩa địa St Mark ở phía Nam thành phố Sydney, thuộc bang New South Wales của Australia, không hề có đứa trẻ nào.

Vậy ai hoặc cái gì đã có mặt tại đó? Truyền thuyết địa phương kể rằng hai đứa trẻ trong ảnh là Blanche Moon và David Shaw, qua đời cách nhau 60 năm.

Blanche Moon bị một đống thanh tà vẹt đè chết vào năm 1886 khi cô và một số đứa trẻ khác đang chơi đùa trên đó thì các thanh gỗ bị trượt. Còn David Shaw là con trai của một vị bộ trưởng và tử vong vì dịch tả vào năm 1946.

Renee English, người phụ nữ định cư tại Port Macquarie đã chụp tấm ảnh huyền bí trên, cho biết bà là một người theo chủ nghĩa hoài nghi trước khi tham gia tour du lịch ngắm ma nói trên hôm 9/1 vừa qua.



[You must be registered and logged in to see this link.]
Bóng ma trong nghĩa địa St Mark ở Australia?
Bà Renee English hồi hộp nhớ lại: "Khi chúng tôi đang đứng tại bờ đất nhìn vào trong khu nghĩa địa, tôi chỉ chụp vội vài tấm ảnh và đùa cợt về mọi thứ. Tôi biết rõ rằng lúc tôi chụp tấm ảnh đó thì không có ai khác trong khu nghĩa địa. Những người duy nhất mà chúng tôi nhìn thấy khoảng 10 phút sau đó là một gia đình có bốn người, nhưng những đứa trẻ không rời bố chúng lấy nửa bước.
Khi chúng tôi xem lại những bức ảnh đã chụp và nhìn thấy hình hai đứa trẻ, toàn bộ tóc gáy tôi chợt dựng lên và tôi thấy ớn lạnh. Đêm đó, tôi không thể ngủ được và tôi thề sẽ không bao giờ xem lại một bộ phim kinh dị nào nữa. Tôi không phải là người tin vào ma quỷ nhưng hiện giờ, tôi đã bị kích thích trí tò mò".

Nhà sử học địa phương, bà Liz Vincent đã tổ chức các tour du lịch ngắm ma ở Picton, vốn được mệnh danh là thị trấn ma quái nhất Australia, cho đến khi qua đời vào năm ngoái. Kể từ đó, chồng bà là ông John Vincent và con gái Jenny Davies đã tiếp quản công việc của bà.

Cô Davies tiết lộ: "Thị trấn Picton quả thật có ma. Chúng tôi nhận thấy rằng người ta luôn luôn thích xem những tấm ảnh của họ sau khi chụp bởi vì phần lớn những gì trong ảnh không thể nhìn bằng mắt thường".

Một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong tour du lịch này là Emily Bollard, một phụ nữ bị tàu hỏa cán chết vào năm 1916 khi đi tắt qua đường hầm Redbank Range Tunnel, còn được gọi là Mushroom Tunnel, để gặp em trai mình.

Bà Emily Bollard sống gần đường tàu hỏa và là một phụ nữ độc thân ở độ tuổi 50. Trước khi đi tắt qua tuyến đường hầm trên, bà đã không kiểm tra thời gian tàu chạy nên đã bị một đoàn tàu đến từ Thirlmere đâm phải và chết ngay tại chỗ.

Cô Davies nói: "Bà ta thích len lỏi giữa các du khách tham gia hành trình, thích chạm vào tóc và người họ, đặc biệt là chân và tay. Những người tham gia tour du lịch này thường nói rằng họ cũng cảm thấy một cơn gió lạnh thổi qua đường hầm này".

Người dân địa phương tự hào nói rằng những ai muốn ngắm ma thì hãy đến thăm thị trấn Picton của Australia.


Theo VietNam+