Năm nào cũng vậy, khi chuẩn bị nghỉ học về quê Tết là sinh viên các trường ĐH, CĐ lại tất bật lo chuyện gửi đồ đạc, vật dụng sinh hoạt ở đâu cho yên tâm. Ngạc nhiên là một địa điểm được khá nhiều SV chọn để gửi là ...hiệu cầm đồ.
Nếu như trước kia, SV thường mang đồ đạc, tài sản quý giá gửi chủ nhà, người quen quanh xóm trọ trước khi về quê thì bây giờ ngày càng có thêm các SV mang đồ đi gửi tại các hiệu cầm đồ. Gửi đồ tại các hiệu cầm đồ trước khi về quê Tết không còn là mới nữa mà đã trở thành phương cách được SV xem là khá… hiệu quả.
Tuấn Anh, SV Trường đại học Giao thông vận tải, thuê trọ tại Quan Hoa, quận Cầu Giấy kể: “Từ mấy năm nay, trước khi về Tết em toàn mang đồ ra hiệu cầm đồ, mặc dù nhu cầu về tiền là không cần thiết lắm nhưng gửi đồ ở hiệu là khá yên tâm, lại được lấy một chút tiền mua vé đi lại, mua sắm quà Tết mang về. Tất nhiên mình chỉ lấy ít tiền cầm thôi vì nhu vậy sẽ không phải chịu mức lãi nhiều…”.
Tiếp xúc với Tuấn Anh tôi được biết hầu như các bạn của cậu cũng toàn mang đồ ra hiệu để cầm lấy chút tiền về quê. Có người cầm máy tính bàn, ti vi, quạt máy, nồi cơm điện, xe đạp… mà chỉ lấy có 500 ngàn đồng. Có bạn ở quá xa, không muốn mang xe máy về cũng mang “gửi”, mặc dù giá trị của chiếc xe là mấy chục triệu đồng, song họ chỉ lấy số tiền cầm cố mấy trăm ngàn để đi lại.
Cần một chút tiền về quê trong dịp Tết, Nguyễn Thị Hoa (SV Trường ĐH Công đoàn, quê Thanh Hóa) đã mang chiếc máy tính cùng mấy thứ đồ có giá trị ra hiệu cầm đồ. Hoa cho biết: “Tụi bạn em cũng đều mang ra tiệm cầm đồ hết vì quanh xóm trọ chẳng có nơi nào gửi đồ được, trong khi chủ nhà lại không có ở gần đó. Cách gửi đồ trước khi nghỉ hè, nghỉ Tết tại tiệm cầm đồ theo em là cách khá hay và yên tâm, mặc dù phải chịu lãi suất…”.
Chính vì nhu cầu thực tế đó của nhiều SV nên vào những ngày cận Tết, các hiệu cầm đồ tại các làng sinh viên, các khu xóm trọ đều trở nên quá tải. Anh Tân, chủ một hiệu cầm đồ trên đường Lương Thế Vinh, quận Thanh Xuân kể rằng cửa hàng của anh không còn chỗ để chứa đồ nên đã chính thức đóng cửa không nhận cầm đồ nữa. Mấy hiệu bên cạnh mặc dù vẫn mở cửa nhưng chỉ chấp nhận cầm các đồ vật có giá trị như xe máy, máy tính, điện thoại, đồng hồ chứ không cầm cố mấy thứ đồ lặt vặt kiểu như quạt điện, xe đạp... Còn chị Thu, chủ cửa hiệu cầm đồ trong làng Phùng Khoang, Trung V, Từ Liêm cho hay: “Nhà tôi có tới 3 gian nhà xưởng vậy mà chẳng còn chỗ mà chứa đồ đạc bởi mấy hôm nay SV mang ra gửi nhiều quá! Toàn chỗ SV quen nên muốn từ chối cũng khó vì hàng ngày thi thoảng chúng vẫn cơm nhà tôi (nhà chị Thu kiêm bán quán cơm bình dân). Có đứa gửi cả lô đồ mà lấy có 200 ngàn đồng, nên tiền lãi trong cả chục ngày cũng được chẳng bao nhiêu. Có đứa còn mang cả nồi niêu xoong chảo, hòm tôn... ra cầm và van nài lấy 100 ngàn đồng và bảo cô tính lãi thế nào cũng được…”.
Quả thật là với SV sống tại ký túc xá hay sống cùng nhà chủ thì việc gửi đồ không phải là chuyện nan giải. Thế nhưng những SV ở trọ tại những khu tách biệt với chủ nhà mà không kiếm được nơi gửi đồ thì nhiều khi buộc phải chọn có cách mang đồ ra hiệu cầm đồ. Thực ra, đi gửi đồ tại hiệu cầm đồ cũng không hề yên tâm 100% như mong muốn, nhưng chí ít nó cũng đảm bảo hơn việc cứ để đồ tại phòng trọ.
Lê Việt Hồng, SV Trường ĐH Thủy Lợi than rằng vào dịp Tết năm đầu tiên học ĐH, cậu đã bị trộm viếng thăm cạy cửa vơ sạch đồ đạc nên từ năm sau Hồng đều mang ra hiệu cầm đồ gửi. Hồng nói: “Một số bạn bè em cầm xe cộ, máy tính cũng có người bị tráo đồ, thay linh kiện... Khi lấy đồ sau Tết dùng một thời gian mới phát hiện nên chẳng biết kêu ai! Tuy nhiên, khi mang cầm cố tại các hàng quen thì không có chuyện đó”.
Cầm đồ như là một cách để gửi đồ đạc trước khi về quê Tết chẳng phải là giải pháp tốt nhất với SV nhưng họ cũng không dám để đồ đạc có giá trị tại phòng trọ bởi nguy cơ đồ đạc “không cánh mà bay” là rất cao.


Theo Dân Trí